NHẶT ĐƯỢC CỦA RƠI VÀ ĐÒI TIỀN CHUỘC MỚI TRẢ LẠI CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT?

NHẶT ĐƯỢC CỦA RƠI VÀ ĐÒI TIỀN CHUỘC MỚI TRẢ LẠI CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT?

Chị Trần Quỳnh C (huyện C, tỉnh Nghệ An) cho biết cách đây ít hôm do sơ suất nên chị đã làm rơi ví tiền khi di chuyển từ công ty về nhà. Trong ví tiền của chị có nhiều tài sản như tiền, thẻ ngân hàng, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe ô tô, căn cước công dân… Chị đăng tin tìm giấy tờ thì có người nhắn tin đòi một số tiền khá lớn thì mới đồng ý trả lại ví cho chị.

Chị C hỏi: Hành vi nhặt được của rơi và đòi tiền chuộc mới trả lại có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên thì người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó. Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Do đó, trong bất cứ trường hợp nào thì về nguyên tắc khi nhặt được tài sản của người khác thì người nhặt được đều phải có trách nhiệm trả lại cho chủ sở hữu hoặc phải thông báo, giao nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp không biết ai là chủ sở hữu. Như vậy, hành vi nhặt được của rơi nhưng yêu cầu, đòi hỏi tiền chuộc mới trả lại là hành vi vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng do hành vi này gây ra. Theo đó, nếu hành vi nhặt được của rơi và đòi tiền chuộc mới trả lại nhưng chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có) và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm và phải trả lại tài sản mình nhặt được cho chủ sở hữu theo quy định tại điểm đ khoản 2, điểm a khoản 3 và điểm a, điểm b khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác.

Trường hợp người nhặt được của rơi cố tình chiếm giữ tài sản, cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chiếm giữ trái phép tài sản” được quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm và cao nhất là bị phạt tù lên đến 05 năm.

Ngoài ra, hành vi đòi tiền chuộc sau khi nhặt được tài sản bị đánh rơi, người vi phạm còn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt thấp nhất là bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm và cao nhất là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Công ty Luật Trọng Hải & Cộng sự


Tác giả: được đăng vào lúc Tháng 10 24th, 2024 trong danh mục Hỏi - đáp
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nguyen Trong Hai

Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải

Địa chỉ: số 65 đường Lý Tự Trọng, phường Vinh Phú, tỉnh Nghệ An

luattronghai@gmail.com

0913 766 976



0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Share via
Copy link
Powered by Social Snap