THỦ TỤC KHAI SINH KHÔNG CÓ TÊN CHA NHƯ THẾ NÀO?
THỦ TỤC KHAI SINH KHÔNG CÓ TÊN CHA NHƯ THẾ NÀO?
1.Thủ tục khai sinh không có tên cha
Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha.
Trong đó, khi đăng ký khai sinh thì các thông tin về họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ.
Phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
Thủ tục khai sinh không có tên cha được hướng dẫn tại Quyết định 1872/QĐ-BTP năm 2020 như sau:
1.1.Giấy tờ cần chuẩn bị
Giấy tờ để nộp
– Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu;
– Bản chính Giấy chứng sinh; Nếu không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải làm giấy cam đoan về việc sinh.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.
– Văn bản ủy quyền (có chứng thực) trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh.
Giấy tờ để xuất trình
– Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng;
– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh.
1.2.Trình tự thực hiện thủ tục
Bước 1: Đến Ủy ban nhân dân cấp xã nộp hồ sơ.
Bước 2: Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ và đối chiếu thông tin.
Bước 3: Cấp Giấy khai sinh và ghi thông tin vào Sổ hộ tịch.
1.3.Lệ phí
Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không phải trả phí. Tuy nhiên, nếu đăng ký khai sinh không đúng hạn sẽ bị thu phí theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Khai sinh không có tên cha: Họ, dân tộc, quê quán xác định theo mẹ (Ảnh minh họa)
2.Làm lại giấy khai sinh không có tên cha được không?
Nếu trước đây trong giấy khai sinh của con không có tên cha, sau này cha mẹ vẫn có thể bổ sung tên cha vào giấy khai sinh bằng cách thực hiện đồng thời thủ tục nhận cha, mẹ, con và thủ tục bổ sung tên cha vào Giấy khai sinh.
Thủ tục nhận cha con
– Cơ quan thực hiện: Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, con ( theo Điều 24 Luật Hộ tịch 2014).
– Hồ sơ cần chuẩn bị:
+Tờ khai đăng ký nhận cha mẹ con;
+Giấy tờ chứng cứ chứng minh quan hệ cha con như văn bản giám định, thư từ, phim ảnh…
Thủ tục bổ sung tên cha vào Giấy khai sinh
– Cơ quan thực hiện: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của người có yêu cầu (theo Điều 27 Luật Hộ tịch);
– Hồ sơ cần chuẩn bị: Tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch (Điều 28 Luật Hộ tịch);
3.Giấy khai sinh không có tên cha, con có thiệt thòi gì không?
Giấy khai sinh không có tên cha và giấy khai sinh có đủ cha mẹ đều có giá trị như nhau. Tuy nhiên, về mặt quyền lợi, trẻ không có tên cha trong giấy khai sinh mất đi một số quyền liên quan đến cha ruột:
– Quyền hưởng di sản thừa kế từ cha: Để được hưởng di sản thừa kế thì cần xuất trình bằng chứng chứng minh quan hệ cha con và giấy tờ chủ yếu được sử dụng để chứng minh quan hệ cha, con là giấy khai sinh.
Khi giấy khai sinh của người con không có tên cha, việc chứng mình quan hệ cha con để được hưởng di sản thừa kế sẽ khó khăn hơn.
– Yêu cầu cấp dưỡng từ cha: Khi người mẹ không đủ khả năng chăm sóc và muốn yêu cầu cấp dưỡng từ cha cho trẻ thì cần phải thực hiện thủ tục yêu cầu cấp dưỡng.
Trong hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng cần có các giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha con. Việc giấy khai sinh không có tên cha cũng là một yếu tố gây khó khăn trong vấn đề xác định thông tin để yêu cầu cấp dưỡng.
Nguồn: Luatvietnam
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976