ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG VÀ PCCC ĐỐI VỚI CHUNG CƯ MINI

ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG VÀ PCCC ĐỐI VỚI CHUNG CƯ MINI

1.Điều kiện được cấp giấy phép xây dựng chung cư mini

Điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng chung cư mini tuân thủ các điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, bao gồm hồ sơ, tiêu chuẩn, quy chuẩn và mục đích sử dụng đất.

Nếu tòa chung cư mini là nhà ở riêng lẻ và đáp ứng các điều kiện theo quy định, người mua sẽ được cấp sổ hồng sở hữu riêng cho căn hộ mua và quyền sử dụng chung đối với diện tích đất xây dựng tòa chung cư này. Ngược lại, nếu tòa chung cư mini không đáp ứng các điều kiện được nêu trong Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ, việc mua bán có thể được thực hiện hoặc không. Nếu được thực hiện, người mua sẽ không sở hữu riêng từng căn hộ, mà toàn bộ các người mua sẽ có quyền sở hữu chung đối với các căn hộ trong tòa chung cư và diện tích đất xây dựng.

Trước khi được mua bán theo hai hình thức trên, chủ đầu tư phải đảm bảo các điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo Điều 93 của Luật Xây dựng 2014.

Các điều kiện này bao gồm:

– Phù hợp với mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt trong quy hoạch sử dụng đất.

– Phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc được ban hành có thẩm quyền.

– Đảm bảo an toàn cho công trình nhà ở, phòng cháy, chống cháy và công trình lân cận.

– Đảm bảo yêu cầu về môi trường, hạ tầng kỹ thuật an toàn.

– Đảm bảo hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng và giao thông.

– Đảm bảo hành lang bảo vệ các khu di sản văn hóa và di tích lịch sử – văn hóa.

– Đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình dễ cháy, nổ, độc hại cũng như các công trình liên quan đến an ninh, quốc phòng.

– Thiết kế và xây dựng nhà ở phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định.

– Phải có hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đầy đủ và đúng quy định pháp luật về xây dựng.

Do đó, để được cấp giấy phép xây dựng chung cư mini, các yêu cầu cơ bản bao gồm mục đích sử dụng, thiết kế, hồ sơ xin cấp và an toàn cho các đối tượng liên quan.

Tuy nhiên, việc cấp giấy phép xây dựng cho tòa chung cư mini có thể được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận, phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

2.Chung cư mini có phải xin cấp phép về PCCC?

Theo Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP “Quy định cho tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy”, các trường hợp cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép về PCCC bao gồm:

1.Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

2.Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên;…

Như vậy, nếu chung cư mini cho thuê cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên thì chủ sở hữu chung cư đó phải xin giấy phép PCCC.

2.1.Điều kiện thực hiện thủ tục về PCCC cho chung cư mini

Theo Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy với chung cư mini được quy định như sau:

– Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;

– Có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định.

– Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

– Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;

– Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;

– Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định.

2.2.Xử phạt khi vi phạm quy định PCCC

Vi phạm quy định về PCCC có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (Điều này được sửa đổi bởi khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội vi phạm quy định về PCCC cụ thể như sau:

– Người nào vi phạm quy định về PCCC gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

+ Làm chết 02 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

+ Làm chết 03 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

– Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy có mức hình phạt cao nhất đến 12 năm tù.

Đối với mức xử phạt hành chính khi để xảy ra cháy, nổ thì tại Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;

+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;

+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.


Tác giả: được đăng vào lúc Tháng chín 14th, 2023 trong danh mục Tư vấn pháp luật, Hỏi - đáp
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nguyen Trong Hai

Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải

Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

vplstronghai.nghean@gmail.com

0913 766 976



0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Share via
Copy link
Powered by Social Snap