CÓ ĐƯỢC GIỮ LẠI NUÔI GIA SÚC GIA CẦM ĐI LẠC KHÔNG?
CÓ ĐƯỢC GIỮ LẠI NUÔI GIA SÚC GIA CẦM ĐI LẠC KHÔNG?
1.Gia súc gia cầm đi lạc, có được giữ lại nuôi không?
Căn cứ Điều 231, Điều 232 Bộ luật Dân sự hiện hành về xác lập quyền sở hữu với gia súc gia cầm đi lạc, người bắt được gia súc, gia cầm bị thất lạc phải thực hiện như sau:
– Với gia súc: Phải giữ lại để nuôi và báo ngay cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi người bắt được gia súc thất lạc cư trú (thường trú hoặc tạm trú) để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Trong đó, thời gian giữ lại nuôi theo quy định tại khoản 1 Điều 231 Bộ luật Dân sự là 06 tháng thông báo công khai hoặc sau 01 năm với gia súc thả rông theo tập quán thì người bắt được gia súc sẽ được xác lập quyền sở hữu.
Ngoài ra, nếu trong thời gian thông báo công khai mà chủ sở hữu của gia súc đó nhận lại được gia súc bị thất lạc thì người này phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc bị lạc.
Đặc biệt, trong thời gian nuôi giữ gia súc bị lạc, nếu gia súc sinh con thì người bắt được sẽ được giữ lại một nửa số con non hoặc 50% giá trị số gia súc con được sinh ra và nếu cố ý làm gia súc bị chết thì phải bồi thường thiệt hại.
– Với gia cầm: Không giống với gia súc, căn cứ Điều 232 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu gia cầm bị thất lạc thì người bắt được phải thông báo công khai trong thời gian 01 tháng. Sau thời gian này, nếu không có người đến nhận thì người bắt được gia cầm sẽ được sở hữu cùng với hoa lợi do gia cầm sinh ra.
Trong đó, hoa lợi do gia cầm sinh ra là sản lượng tự nhiên mà gia cầm sinh ra như gia cầm là gà thì hoa lợi sẽ là trứng…
Nếu chủ sở hữu nhận lại gia cầm bị thất lạc thì thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác (nếu có) cho người bắt được.
Đặc biệt, cũng giống như gia súc bị thất lạc, nếu trong quá trình nuôi giữ, người bắt được gia cầm thất lạc mà cố ý làm chết thì sẽ phải bồi thường thiệt hại cho hành vi này gây ra.
2.Bắt được gia súc gia cầm đi lạc không trả, bị phạt thế nào?
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, nếu bắt được gia súc, gia cầm đi lạc thì người bắt được phải giữ lại nuôi và thông báo để tìm chủ nhân của gia súc, gia cầm đó. Tuy nhiên, nếu người nhặt được cố tình không thông báo, chiếm giữ luôn gia súc, gia cầm bị thất lạc thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu cố tình chiếm giữ trái phép tài sản của người khác thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng.
Đồng thời, người này sẽ bị buộc phải trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép gia súc, gia cầm của người khác.
Đặc biệt, trong một số trường hợp, nếu giá trị gia súc, gia cầm cao thì người vi phạm còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác như sau:
Nếu cố tình không trả lại gia súc, gia cầm có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc cố tình không giao nộp gia súc, gia cầm có giá trị dưới 10 triệu đồng mà do mình tìm được, bắt được sau khi chủ sở hữu đã yêu cầu được nhận lại thì sẽ bị phạt tiền tiền từ 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng – 02 năm.
Trong trường hợp gia súc, gia cầm có giá trị cao từ 200 triệu đồng trở lên, người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 01 – 05 năm.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, mặc dù quy định là thế nhưng gia súc, gia cầm có giá trị cao thường khá hiếm trường hợp bị thất lạc và trong thực tế việc áp dụng các quy định này cũng không được rộng rãi.
Do đó, trên thực tế, việc xử lý hành vi vi phạm chiếm giữ gia súc, gia cầm không mấy xảy ra.
Nguồn: Luatvietnam
Tác giả: lephuong được đăng vào lúc Tháng chín 21st, 2023 trong danh mục Hỏi - đáp, Tư vấn pháp luật
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976