ĐÀO ĐƯỢC VÀNG CÓ PHẢI NỘP CHO NHÀ NƯỚC KHÔNG?
ĐÀO ĐƯỢC VÀNG CÓ PHẢI NỘP CHO NHÀ NƯỚC KHÔNG?
1.Là tài sản vô chủ
Tức là số vàng này đã bị chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu (theo khoản 1 Điều 228 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy nhiên, cần nói thêm là trường hợp này hầu như không tồn tại trong thực tế.
Khi số vàng đào được là vật vô chủ thì do vàng là động sản nên người đã phát hiện hoặc đang quản lý tài sản vô chủ có quyền sở hữu tài sản này trừ trường hợp luật có quy định khác (theo Điều 228 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Tuy nhiên, trước đó, người đào được vàng phải thực hiện những việc sau đây:
– Thông báo/giao nộp cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã/công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai. Việc giao nộp này phải được lập thành văn bản.
– Cơ quan tiếp nhận giao nộp phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.
Và người phát hiện số vàng đó sẽ được sở hữu nếu sau 01 năm kể từ ngày thông báo mà không xác định được ai là chủ sở hữu. Nhà nước chỉ được sở hữu nếu tài sản đó là bất động sản và sau thời gian 05 năm kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được chủ sở hữu là ai.
Như vậy, có thể khẳng định, khi đào được vàng, người đào được không cần phải nộp cho Nhà nước nhưng người này cũng không được sở hữu ngay số vàng đó. Người đào được phải thực hiện thông báo công khai và sau 01 năm nếu không xác định được chủ sở hữu thì mới được sở hữu số vàng đào được này.
2.Là tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy
Theo Điều 229 Bộ luật Dân sự năm 2015, người tìm thấy vàng bị chôn, giấu, vùi lấp, chìm đắm thì phải thông báo/giao nộp cho UBND cấp xã/công an cấp xã nơi gần nhất/cơ quan nhà nước khác. Căn cứ vào loại tài sản để xác định quyền sở hữu như sau:
– Là di tích lịch sử – văn hóa: Thuộc về Nhà nước, người tìm thấy được hưởng một khoản tiền.
– Không phải là di tích lịch sử – văn hóa:
+ Có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 18,0 triệu đồng) thì thuộc về người tìm thấy
+ Có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở thì người tìm thấy được nhận số tiền bằng 10 lần mức lương cơ sở và 50% giá trị vượt quá 10 lần mức lương cơ sở; phần còn lại thuộc về Nhà nước.
Lưu ý: Việc tính giá trị tài sản là sau khi trừ đi chi phí tìm kiếm, bảo quản.
Như vậy, Nhà nước chỉ sở hữu số vàng đào được nếu đó là di tích lịch sử – văn hóa hoặc 50% của số vàng có giá trị lớn hơn 18 triệu đồng (tại thời điểm hiện nay) sau khi đã trừ đi 10 lần mức lương cơ sở và 50% giá trị vượt quá 10 lần mức lương cơ sở.
3.Là tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên
Nếu thuộc trường hợp này thì theo Điều 230 Bộ luật Dân sự, tài sản sẽ được giải quyết như sau:
– Nếu biết địa chỉ người đánh rơi/bỏ quên: Thông báo/trả lại cho người đó.
– Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi/bỏ quên: Thông báo/giao nộp cho UBND cấp xã/công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai. Trong đó: Sau 01 năm kể từ gnày thông báo mà không xác định được chủ sở hữu thì sẽ xử lý tài sản bỏ quên/đánh rơi như sau:
+ Số vàng có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở: Trở thành tài sản thuộc quyền sở hữu của người nhận được.
+ Số vàng có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở: Người nhặt được hưởng 10 lần mức lương cơ sở và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở, phần còn lại sẽ thuộc về Nhà nước sau khi đã trừ đi chi phí bảo quản.
+ Là di tích lịch sử – văn hóa: Thuộc về Nhà nước, người nhặt được sẽ hưởng tiền thưởng.
Có thể thấy, dù thuộc trường hợp nào thì vàng cũng là động sản nên không phải mọi trường hợp sẽ thuộc về Nhà nước mà chỉ có trường hợp giá trị số vàng đó lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở hoặc là di tích lịch sử – văn hóa.
Nguồn: Luatvietnam
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976