TIỀN PHÚNG VIẾNG CÓ PHẢI LÀ DI SẢN THỪA KẾ KHÔNG?
TIỀN PHÚNG VIẾNG CÓ PHẢI LÀ DI SẢN THỪA KẾ KHÔNG?
1.Tiền phúng viếng có phải là di sản thừa kế không?
Tiền phúng viếng là khoản tiền có được khi diễn ra tang lễ của người chết. Và câu trả lời cho vấn đề: Tiền phúng viếng có phải di sản thừa kế không? Là tiền phúng viếng tại đám hiếu không phải là di sản thừa kế, vì tiền phúng viếng là tài sản có được sau thời điểm mở thừa kế, không phải tài sản của người chết.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, di sản thừa kế được định nghĩa chi tiết tại Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác
Trong đó: Việc xác định tài sản riêng, tài sản chung của người chết trong tài sản với người khác được quy định như sau:
– Tài sản riêng của người chết: Gồm phần tài sản của vợ, chồng có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân,.. (đối với người có vợ, chồng) hoặc tài sản thuộc sở hữu riêng của một người (mà người đó không có vợ, chồng).
– Phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác gồm: Phần tài sản chung theo phần trong khối tài sản chung với vợ, chồng hoặc với người khác.
Khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết, gồm: Thời điểm chết sinh học hoặc chết pháp lý (theo quyết định của Tòa án nhân dân).
Như vậy, theo quy định nêu trên, tiền phúng viếng không phải là di sản thừa kế. Có thể thấy, việc xác định di sản thừa kế là căn cứ để xác định giá trị di sản và lợi ích của người hưởng di sản. Đồng thời, cũng là căn cứ để chuyển quyền sở hữu của di sản thừa kế đó từ của người đã chết sang người được hưởng di sản thừa kế.
2.Tiền phúng viếng thuộc về ai?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 658 Bộ luật Dân sự thì chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng là nghĩa vụ được ưu tiên thanh toán đầu tiên trong các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế.
Do đó, nếu người chết có để lại nghĩa vụ tài sản phải thực hiện thì tiền phúng viếng sẽ được ưu tiên sử dụng cho việc thanh toán các khoản tiền thuộc nghĩa vụ này.
Theo Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được quy định như sau:
– Người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trong phạm vi di sản được phân chia di sản thừa kế trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong đó:
+Nếu chưa chi di sản thừa kế thì nghĩa vụ tài sản của người chết sẽ do người quản lý di sản thừa kế thực hiện sau khi đã được người thừa kế hợp pháp thỏa thuận trong phạm vi di sản do người chết để lại.
+Nếu di sản đã chia cho mỗi người thừa kế thì những người này thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trong phạm vi phần di sản được nhận từ di sản thừa kế trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trên thực tế, tiền phúng viếng sẽ được gia đình dùng cho việc chi trả chi phí mai táng người chết, phần còn dư sẽ thuộc về gia đình có người chết. Cũng có nhiều trường hợp, các gia đình sẽ sử dụng tiền phúng viếng để làm từ thiện hoặc mục đích khác…
Nguồn: Luatvietnam
Tác giả: lephuong được đăng vào lúc Tháng mười một 14th, 2023 trong danh mục Hỏi - đáp, Tư vấn pháp luật
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976