CÓ ĐƯỢC CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA NGHĨA VỤ QUÂN SỰ 2024?
CÓ ĐƯỢC CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA NGHĨA VỤ QUÂN SỰ 2024?
1.Có được chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động tham gia nghĩa vụ quân sự 2024?
Căn cứ Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trong năm 2024 bao gồm:
– Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 Bộ luật Lao động 2019.
– Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
– Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
– Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
– Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Người lao động chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
– Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
– Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ Luật lao động 2019.
– Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
– Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 Bộ luật Lao động 2019.
– Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Lao động 2019.
– Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.
Bên cạnh đó, Xem xét trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động đối với người lao động đi thực hiện nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 30 Bộ luật Lao động 2019, thì các trường hợp được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm trường hợp người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Như vậy, người sử dụng lao động chỉ được chấm dứt hợp đồng với người lao động khi thuộc một trong những trường hợp được liệt kê nêu trên.
Do đó, trường hợp người lao động tham gia nghĩa vụ quân sự thì người sử dụng lao động không được chấm dứt hợp đồng lao động mà phải tạm hoãn hợp đồng lao động với người lao động.
2.Khi nào thì người lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự được nhận lại làm việc?
Căn cứ Điều 31 Bộ luật Lao động 2019, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Do đó, nếu người lao động vẫn muốn tiếp tục làm việc sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì phải có mặt tại nơi làm việc trong thời gian 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động để được người sử dụng lao động bố trí công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết.
3.Người lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự nhưng không quay lại làm việc thì người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng?
Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động thì người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động 2019 (người lao động không có mặt tại nơi làm việc trong thời gian 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động) thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
4.Doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng vì lý do người lao động tham gia nghĩa vụ quân sự thì bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 6 và khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, đối với người sử dụng lao động là tổ chức thực hiện hành vi sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
Ngoài mức phạt nêu trên, người sử dụng lao động còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải nhận lại người lao động trở lại làm việc như hợp đồng lao động đã giao kết.
Do đó, đối với trường hợp doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng vì lý do người lao động tham gia nghĩa vụ quân sự thì tùy vào mức độ có thể bị xử phạt từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng. Ngoài ra còn phải phải nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi người lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự khi người lao động vẫn muốn tiếp tục làm việc theo như hợp đồng lao động đã giao kết.
Nguồn: TVPL
Tác giả: lephuong được đăng vào lúc Tháng mười hai 25th, 2023 trong danh mục Tư vấn pháp luật, Hỏi - đáp
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976