BÁN ĐỒ ĂN GÂY NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM SẼ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
BÁN ĐỒ ĂN GÂY NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM SẼ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Chị Trần Thị M (huyện N, tỉnh Nghệ An) cho biết con chị trên đường đi học về có ăn bánh mỳ tại một tiệm bánh gần nhà. Sau khi ăn xong, về nhà cháu cảm thấy nôn nao, đau bụng, hoa mắt chóng mặt. Chị đến hiệu thuốc gần nhà để hỏi thì qua tư vấn dự đoán các triệu chứng trên là do ngộ độc thực phẩm.
Chị M hỏi: Ai là người chịu trách nhiệm khi bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm? Việc bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Theo khoản 1 Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 39/2006/QĐ-BYT thì ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày – ruột, thần kinh hoặc những triệu chứng khác tuỳ theo tác nhân gây ngộ độc. Do đó, khi có trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra cần xem xét nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc và người có hành vi gây ra ngộ độc thực phẩm để xác định ai là người chịu trách nhiệm. Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được nêu rõ: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác…”.
Đối chiếu quy định của luật, người có trách nhiệm hay người phải bồi thường thiệt hại khi bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm được xác định có thể là bên cung cấp nguyên liệu. Theo đó, nếu nguyên nhân gây ra ngộ độc trong trường hợp này là do nguồn gốc thực phẩm thì cá nhân, tổ chức cung cấp nguyên liệu nấu ăn là người chịu trách nhiệm. Để xác định cụ thể người phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này thì cần xem xét tất cả các khâu để cung cấp nguyên liệu gồm trồng trọt, nuôi trồng, kiểm duyệt. Khi có lỗi ở khâu nào thì người phụ trách của khâu đó sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp nếu việc gây ra ngộ độc do lỗi của người bán hàng/người đầu bếp trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm thì lúc này, người bán hàng/người đầu bếp chế biến món ăn sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho khách hàng.
Khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm e khoản 12 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm. Theo đó, người nào có hành vi bán đồ ăn gây ngộ độc cho người khác thì có thể bị phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng, nếu người vi phạm là tổ chức thì có thể bị phạt tiền từ 160 – 200 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân và tổ chức còn phải chịu các hình phạt bổ sung và bắt buộc phải khắc phục hậu quả khác như: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 03 – 05 tháng; Buộc thu hồi thực phẩm; Buộc tiêu hủy thực phẩm; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm đối với vi phạm; Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm. Ngoài ra, nếu hành vi bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm cho người khác mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Có thể nói, bên cạnh việc cơ quan chức năng có những quy định chặt chẽ về vấn đề an toàn thực phẩm thì bên sản xuất, cung ứng, chế biến thực phẩm cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm tuân thủ và chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, mỗi người tiêu dùng cũng nên thận trọng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn để đảm bảo cho sức khỏe của chính mình và gia đình.
Công ty Luật Trọng Hải và Cộng sự
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976