BỊ TƯỚC GPLX TRÊN VNEID DÙNG BẢN CỨNG THAY THẾ ĐƯỢC KHÔNG?
BỊ TƯỚC GPLX TRÊN VNEID DÙNG BẢN CỨNG THAY THẾ ĐƯỢC KHÔNG?
1.Bị tước GPLX trên VNeID dùng bản cứng thay thế được không?
Nhiều tài xế thắc mắc, nếu bị tước GPLX trên VNeID có thể dùng bản cứng thay thế được không? Về điều nàyđại diện Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội đã thông tin rằng trường hợp lái xe đã bị tạm giữ/tước giấy phép trên ứng dụng VNeID, tài xế không được sử dụng bản cứng để tiếp tục tham gia giao thông.
Có nghĩa, GPLX cả bản cứng lẫn bản mềm (trên VNeID) khi bị tạm giữ/tước đều bị vô hiệu.
Theo Thông tư 28/2024/TT-BCA sửa đổi Thông tư số 32/2023/TT-BCA và Thông tư 24/2023/TT-BCA, cụ thể khoản 4 Điều 1 Thông tư 28, Bộ Công an đã quy định việc tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID…
Theo đó, khi tạm giữ giấy tờ của người lái xe từ 01/7/2024, cảnh sát giao thông thực hiện những công việc sau:
Thứ nhất, tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử
Thứ hai, cập nhật về việc này trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời đồng bộ vào VNeID để người vi phạm, chủ phương tiện biết, chấp hành quy định về trật tự, an toàn giao thông, phục vụ việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Như vậy các thông tin của GPLX đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID… khi kiểm tra, kiểm soát có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó.
Trong quá trình kiểm tra, nếu gặp trường hợp phải tạm giữ hay tước giấy tờ thì cảnh sát giao thông sẽ tạm giữ/tước giấy tờ trên môi trường điện tử.
Và khi làm thủ tục trả lại giấy tờ cho người bị xử phạt, người có thẩm quyền thực hiện thực hiện đồng bộ thông tin với ứng dụng định danh quốc gia cũng như cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để gỡ bỏ thông tin về việc tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy tờ trước đó. Khi đã gỡ bỏ thông tin thì GPLX có giá trị sử dụng như bình thường.
2.GPLX tích hợp 2 loại bằng bị tạm giữ, có được lái xe không?
Theo quy trình xử lý lái xe có hành vi vi phạm, trong trường hợp lỗi vi phạm phải tạm giữ/tước bằng lái, CSGT sẽ lập biên bản xử phạt, tạm giữ/tước. Nếu tài xế xuất trình giấy tờ điện tử thì CSGT sẽ kiểm tra bằng cách nhập số GPLX vào trang web để tra cứu.
Nếu kết quả tra cứu hiển thị giấy phép lái xe chưa bị tạm giữ/tước thì CSGT sẽ không tạm giữ GPLX bản cứng mà lập biên bản tạm giữ/tước giấy phép lái xe trên môi trường điện tử đối với người vi phạm.
Thông tin về việc tạm giữ/tước giấy tờ sau đó sẽ được cập nhật lên tài khoản VNeID của người vi phạm. Ứng dụng này cũng sẽ hiển thị rõ thời gian bị tạm giữ/tước GPLX trong bao lâu; Cơ quan/đơn vị nào đang tạm giữ/tước giấy tờ.
Nếu đã bị tước GPLX trên ứng dụng VNeID, người dân sẽ không được sử dụng bản cứng cùng loại để tiếp tục tham gia giao thông.
Người vi phạm nếu đã bị tạm giữ/tước GPLX mà vẫn lái xe, có thể sẽ bị lập biên bản với lỗi không có GPLX, đồng thời cũng có thể bị tạm giữ xe theo quy định.
Người vi phạm sẽ phải thực hiện thủ tục nộp phạt vi phạm hành chính qua cổng dịch vụ công hoặc nộp tại cơ quan có thẩm quyền.
Cần lưu ý ứng dụng VNeID bên cạnh hiển thị thông thị GPLX bị tạm giữ/tước trong khoảng thời gian nào, đơn vị CSGT nào tạm giữ/tước còn hiển thị cả thông tin GPLX bị tạm giữ là của xe máy hay ô tô (đối với loại tích hợp cả 2 GPLX).
Bên cạnh đó, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, quy định khi lập biên bản vi phạm hành chính CSGT sẽ ghi rõ vào biên bản loại GPLX bị tạm giữ, có phải là loại giấy phép lái xe tích hợp hay không.
Do vậy, với loại tích hợp GPLX ô tô và xe máy, nếu bị tước bằng xe máy, người dân vẫn có thể sử dụng GPLX còn lại để lái ô tô và ngược lại. Khi điều khiển loại phương tiện còn lại trong GPLX tích hợp phải mang theo biên bản xử phạt vi phạm hành chính để xuất trình trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra.
Nguồn: Luatvietnam
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976