CHÁU NUÔI CÓ ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ THẾ VỊ KHÔNG?

CHÁU NUÔI CÓ ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ THẾ VỊ KHÔNG?

Con nuôi có được hưởng thừa kế từ cha mẹ nuôi không?

Khoản 2, khoản 3 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 định nghĩa về con nuôi và cha mẹ nuôi như sau:

2.Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

3.Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

Như vậy, giữa con nuôi và cha mẹ nuôi mặc dù không xảy ra sự kiện sinh nhưng có mối quan hệ nuôi dưỡng và đã được đăng ký hợp pháp với cơ quan có thẩm quyền.

Về quyền hưởng thừa kế của con nuôi, cần xem xét hai trường hợp sau đây:

– Cha mẹ nuôi có để lại di chúc: Việc định đoạt phần tài sản của mình hoàn toàn dựa vào ý chí của cha mẹ nuôi. Do đó, nếu trong di chúc, cha mẹ nuôi đã chỉ định phần di sản cho con nuôi hưởng thì người này được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ nuôi.

– Cha mẹ nuôi không để lại di chúc: Khi cha mẹ nuôi không để lại di chúc, di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật cho các hàng thừa kế. Trong đó, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự, con nuôi của người chết là một trong những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết.

Và tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được ưu tiên hưởng thừa kế và được hưởng phần di sản bằng với những người thừa kế khác cùng hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ của người chết.

Cháu nuôi có được hưởng thừa kế từ ông bà nuôi không?

Hiện nay, trong cả Bộ luật Dân sự và Luật Nuôi con nuôi đều không có khái niệm về cháu nuôi. Hiện nay, pháp luật chỉ đặt ra quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi.

Đồng thời, theo quy định về các hàng thừa kế nêu tại Điều 651 Bộ luật Dân sự, con của con nuôi không thuộc một trong các hàng thừa kế bởi có 03 hàng thừa kế sau đây:

Hàng thứ nhất: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ và con nuôi.

Hàng thứ hai: Ông bà nội, ngoại; anh chị em ruột; cháu ruột mà gọi người chết là ông bà nội, ông bà ngoại.

Hàng thứ ba: Cụ nội, ngoại; bác chú cậu cô dì ruột; cháu ruột mà gọi người chết là bác chú cậu cô dì ruột; chắt ruột gọi người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Căn cứ các hàng thừa kế này, con của con nuôi không thuộc một trong các hàng thừa kế của ông, bà là cha mẹ nuôi của người này. Tuy nhiên, cháu nuôi vẫn có thể được hưởng thừa kế từ ông bà nuôi trong trường hợp sau đây:

– Hưởng theo di chúc: Nếu ông bà nuôi chỉ định người cháu nuôi được hưởng thừa kế trong di chúc hợp pháp của mình thì người cháu sẽ được hưởng phần di sản này.

– Hưởng theo thế vị: Theo Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi được hưởng thừa kế thế vị. Theo đó, căn cứ Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015, thừa kế thế vị được quy định như sau:

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Căn cứ quy định này, nếu người con nuôi chết trước hoặc cùng thời điểm với cha mẹ nuôi thì cháu nuôi sẽ được hưởng phần di sản thừa kế của ông bà nuôi mà lẽ ra người con nuôi kia được hưởng.

Như vậy, cháu nuôi được hưởng thừa kế thế vị và hưởng thừa kế theo di chúc (nếu có) từ phần di sản của ông bà nuôi.

Nguồn: Luatvietnam

 

 


Tác giả: được đăng vào lúc Tháng tư 27th, 2022 trong danh mục Tư vấn pháp luật
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nguyen Trong Hai

Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải

Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

vplstronghai.nghean@gmail.com

0913 766 976



0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Share via
Copy link
Powered by Social Snap