CÓ ĐƯỢC CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐANG BỊ TẠM GIAM KHÔNG?

CÓ ĐƯỢC CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐANG BỊ TẠM GIAM KHÔNG?

1.Người lao động bị tạm giam thì người sử dụng lao động có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau:

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1.Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Như vậy, không có trường hợp nào cho phép người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động bị tạm giam.

Nhưng theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 nêu trên thì nếu người lao động không đến làm việc trong 05 ngày làm việc liên tục mà không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động sẽ được chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo đó, trường hợp người lao động bị tạm giam đợi xử lý thì không thể xem là “không có lý do chính đáng” để người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

2.Người lao động bị tạm giam thì người sử dụng lao động có được áp dụng kỷ luật bằng hình thức sa thải không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 về áp dụng hình thức kỷ luật sa thải người lao động trong những trường hợp sau:

Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:

1.Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;

2.Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

3.Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;

4.Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Như vây, không có trường hợp nào là người lao động bị tạm giam nên người sử dụng lao động sẽ không thể sa thải người lao động với lý do này.

Hơn nữa tại khoản 4 Điều 122 Bộ luật này cũng quy định không được phép áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với người lao động đang bị tạm giam.

3.Trong trường hợp người lao động bị tạm giam thì người sử dụng lao động có thể xử lý như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động bị tạm giữ, tạm giam là một trường hợp người sử dụng lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động:

Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1.Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

b) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

Và theo Điều 31 Bộ luật Lao động 2019 cũng có quy định:

Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, sau 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn do tạm giữ, tạm giam thì người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Nguồn: TVPL


Tác giả: được đăng vào lúc Tháng tám 18th, 2023 trong danh mục Hỏi - đáp, Tư vấn pháp luật
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nguyen Trong Hai

Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải

Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

vplstronghai.nghean@gmail.com

0913 766 976



0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Share via
Copy link
Powered by Social Snap