CÔNG TY CÓ ĐƯỢC YÊU CẦU NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐẶT CỌC MỘT KHOẢN TIỀN?
CÔNG TY CÓ ĐƯỢC YÊU CẦU NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐẶT CỌC MỘT KHOẢN TIỀN?
Điều 17 “Bộ luật lao động năm 2019” quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:
– Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
– Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
– Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Như vậy, trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người lao động đặt cọc trước một khoản tiền rồi mới được thực hiện hợp đồng lao động thì rõ ràng đây là hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động. Do đó, người lao động cần thận trọng với trường hợp này để tránh rơi vào bẫy lừa đảo của kẻ xấu.
* Chế tài đối với người sử dụng lao động vi phạm
Căn cứ khoản 1 Điều 6; điểm a, b khoản 2, điểm d, đ khoản 3 Điều 9; điểm b khoản 4 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, trường hợp người sử dụng lao động vi phạm Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 sẽ gánh lấy chế tài như sau:
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động. Đồng thời, buộc người sử dụng lao động trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động.
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động. Đồng thời, buộc người sử dụng lao động trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
– Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân; trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt tiền gấp đôi so với mức phạt tiền của cá nhân vi phạm.
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976