CSGT CÓ XỬ PHẠT QUA HÌNH ẢNH, VIDEO TRÊN MẠNG XÃ HỘI?
CSGT CÓ XỬ PHẠT QUA HÌNH ẢNH, VIDEO TRÊN MẠNG XÃ HỘI?
1.CSGT có xử phạt qua hình ảnh video trên mạng xã hội?
Căn cứ khoản 11 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt được quy định như sau:
Người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này.
Trong khi đó, tại Điều 74 Nghị định này, CSGT được phân thẩm quyền xử phạt hành chính đối với rất nhiều lỗi vi phạm về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Như vậy, CSGT được quyền sử dụng thông tin, hình ảnh từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để xác minh, phát hiện hành vi vi phạm giao thông.
Trước đây, khoản 1 Điều 24 Thông tư 65/2020/TT-BCA đã có quy định cho phép CSGT được sử dụng hình ảnh, video về hành vi vi phạm được đăng tải trên mạng xã hội để xác minh và xử lý vi phạm. Tuy nhiên hiện nay, Thông tư 65 đã bị bãi bỏ toàn bộ và thay thế bởi Thông tư 32/2023/TT-BCA.
Thông tư 32 năm 2023 của Bộ Công không còn quy định cụ thể về việc tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội nữa.
Thay vào đó, đơn vị Cảnh sát giao thông sẽ tiếp nhận thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông để xử lý tại địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng, trực ban 24/24 giờ… của đơn vị.
Trên thực tế, những hình ảnh, video vi phạm giao thông được đăng tải trên mạng xã hội rất hiếm khi bị xử lý.
Tóm lại, CSGT được quyền sử dụng các thông tin, hình ảnh từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để xác minh, phát hiện hành vi vi phạm giao thông.
2.CSGT mặc thường phục có được dừng xe xử phạt?
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA, tổ CSGT được phép bố trí một bộ phận cán bộ mặc thường phục, phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch để thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.
Các trường hợp tuần tra, kiểm soát giao thông cần bố trí thêm lực lượng CSGT mặc thường phục bao gồm:
– Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
– Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.
Trong đó, CSGT mặc thường phục thực hiện nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện vi phạm.
Khi phát hiện vi phạm thì CSGT mặc thường phục thông báo ngay cho CSGT thuộc bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để dừng phương tiện và xử lý theo quy định.
Như vậy, trong hầu hết các trường hợp, CSGT mặc thường phục không được dừng xe xử phạt giao thông.
Riêng trường hợp phát hiện vi phạm nghiêm trọng về giao thông, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm thì CSGT mặc thường phục có thể sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động Nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay vi phạm.
Sau đó, thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.
Nguồn: Luatvietnam
Tác giả: lephuong được đăng vào lúc Tháng mười một 27th, 2023 trong danh mục Tư vấn pháp luật, Hỏi - đáp
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976