CÙNG LÚC ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI 2 NƠI ĐƯỢC KHÔNG?
CÙNG LÚC ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI 2 NƠI ĐƯỢC KHÔNG?
Người lao động ký hợp đồng lao động với 02 công ty được hưởng đầy đủ quyền lợi theo từng hợp đồng lao động đã ký nhưng vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp này lại khá đặc biệt.
Dù làm việc cùng lúc cho 02 công ty nhưng người lao động sẽ không đóng bảo hiểm xã hội 02 nơi cùng một thời điểm. Thay vào đó, người lao động chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo hợp đồng lao động được ký đầu tiên.
Bởi khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trường hợp ký hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, người lao động chỉ đóng bảo hiểm xã hội với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Điều này cũng được áp dụng tương tự với bảo hiểm thất nghiệp. Theo Điều 43 Luật Việc làm 2013, trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động cũng chỉ đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động ký đầu tiên.
Còn với bảo hiểm y tế, nếu làm việc cùng lúc 02 nơi, người lao động phải đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất (theo khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014).
Hợp đồng ký sau được giải quyết quyền lợi bảo hiểm thế nào?
Đối với hợp đồng lao động được ký sau, người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội nên sẽ không được tính hưởng quyền lợi về bảo hiểm đối với hợp đồng này.
Tuy nhiên, người lao động sẽ được bù đắp quyền lợi bằng việc được người sử dụng lao động trả thêm khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế mà người sử dụng lao động phải đóng (theo khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019).
Số tiền này sẽ được chi trả cùng lúc với tiền lương trong từng kỳ trả lương cho người lao động.
Nếu không chi trả hoặc trả không đủ số tiền đóng bảo hiểm cho người lao động, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 4 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
+Phạt từ 03 đến 05 triệu đồng: Không trả tiền cho 01 đến 10 người lao động.
+Phạt từ 05 đến 08 triệu đồng: Không trả tiền cho 11 đến 50 người lao động.
+Phạt từ 08 đến 12 triệu đồng: Không trả tiền cho 51 đến 100 người lao động.
+Phạt từ 12 đến 15 triệu đồng: Không trả tiền cho 101 đến 300 người lao động.
+Phạt từ 15 đến 20 triệu đồng: Không trả tiền cho 301 người lao động trở lên.
Cùng với việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn buộc phải trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội cộng với khoản tiền lãi tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976