ĐĂNG KÝ KHAI SINH CHO CON MANG HỌ MẸ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
ĐĂNG KÝ KHAI SINH CHO CON MANG HỌ MẸ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
Chị Trương Lan A (huyện Y, tỉnh Nghệ An) vừa mới sinh con đầu lòng và chuẩn bị làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con. Chị thấy khi đăng ký khai sinh thường cho con theo họ của cha nhưng vợ chồng chị lại mong muốn, thống nhất khai sinh cho con theo họ của mẹ.
Chị A hỏi: Chị đăng ký khai sinh con mang họ mẹ có được không? Để đăng ký khai sinh thì cần thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Trong xã hội hiện đại quyền của trẻ em luôn được đặt lên hàng đầu và một trong những quyền cơ bản nhất chính là quyền được khai sinh. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vẫn băn khoăn liệu việc làm giấy khai sinh cho con mang họ mẹ có phù hợp với quy định pháp luật hay không.
Theo quy định tại Điều 13 Luật Trẻ em 2016 tất cả trẻ em sinh ra đều có quyền được khai sinh. Việc khai sinh cho trẻ em không chỉ là quyền của trẻ, mà còn là trách nhiệm bắt buộc của cha, mẹ hoặc người giữ vai trò giám hộ trẻ. Việc đăng ký họ cho con khi khai sinh được quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP về xác định nội dung khai sinh. Theo đó, họ của con được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Đối chiếu quy định với trường hợp của chị thì do vợ chồng đều mong muốn, thống nhất việc lựa chọn họ cho con nên chị hoàn toàn được quyền đăng ký khai sinh cho con mang họ mẹ.
Về thủ tục đăng ký khai sinh cho con thì theo Điều 13 Luật Hộ tịch 2014 việc đăng ký khai sinh cho con được thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh. Các hồ sơ cần chuẩn bị để đăng ký khai sinh cho con được quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2025/NĐ-CP về xuất trình, nộp giấy tờ khi đăng ký hộ tịch. Theo đó, tùy vào điều kiện để thuận tiện vợ chồng chị có thể tới ủy ban nhân dân cấp xã nơi chị hoặc chồng chị cư trú để thực hiện việc đăng ký khai sinh cho con. Khi thực hiện việc đăng ký, chị cần xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người đi đăng ký khai sinh và phải nộp bản chính Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch 2014. Trường hợp chị đã nộp bản điện tử Giấy chứng sinh hoặc cơ quan đăng ký hộ tịch đã khai thác được dữ liệu điện tử có ký số của Giấy chứng sinh thì không phải nộp bản giấy. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ nói trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân. Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho con của chị.
Ngoài ra, do thủ tục đăng ký khai sinh hiện nay còn được liên thông với đăng ký thường trú/tạm trú và làm bảo hiểm y tế cho trẻ nên để đảm bảo quyền lợi chính đáng của con như quyền học tập, chăm sóc và hưởng các chế độ phúc lợi của Nhà nước một cách toàn diện nhất thì chị cũng cần lưu ý thời hạn quy định về việc đăng ký khai sinh cho con là trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con theo quy định tại Điều 15 Luật Hộ tịch 2014.
Công ty Luật Trọng Hải & Cộng sự

Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Địa chỉ: số 65 đường Lý Tự Trọng, phường Vinh Phú, tỉnh Nghệ An
luattronghai@gmail.com
0913 766 976