DÙNG TIỀN THẬT TRANG TRÍ “CÂY TIỀN THẦN TÀI” CÓ PHẠM LUẬT?
DÙNG TIỀN THẬT TRANG TRÍ “CÂY TIỀN THẦN TÀI” CÓ PHẠM LUẬT?
1.Dùng tiền thật trang trí cây tiền thần tài có bị phạt không?
Điều 23 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010 quy định các hành vi bị nghiêm cấm để bảo vệ tiền Việt Nam. Cụ thể:
– Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả.
– Huỷ hoại đồng tiền trái pháp luật.
– Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
– Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg về việc bảo vệ tiền Việt Nam nghiêm cấm hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
Tuy nhiên, Quyết định này sẽ hết hiệu lực từ ngày 02/02/2024 và bị thay thế bởi Nghị định 87/2023/NĐ-CP. Trong đó, Nghị định này có giải thích việc hủy hoại tiền Việt Nam tại khoản 3 Điều 3 như sau:
“3.Hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật là hành vi cố ý làm rách nát, hư hỏng, biến dạng tiền Việt Nam”.
Như vậy, trường hợp dùng tiền thật để trang trí mà cố ý gấp, cắt làm cho tiền bị rách, hư hỏng hoặc tiền không thể sử dụng được sau khi trang trí thì bị xem là hành vi hủy hoại tiền và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tiền Việt Nam.
Ngược lại, nếu chỉ dùng tiền thật để trang trí cây tiền thần tài mà không làm rách, hỏng, biến dạng tiền thì không bị coi là hủy hoại tiền và không vi phạm pháp luật.
2.Có được mua bán cây được trang trí bằng tiền thật không?
Theo Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg, hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào cũng là một trong các hành vi bị cấm. Tuy nhiên, tại Quyết định này, Thủ tướng không có định nghĩa cũng như liệt kê các hành vi bị coi là hủy hoại tiền.
Từ 02/02/2024, Chính phủ đã liệt kê các hành vi bị coi là hủy hoại tiền gồm: Cố ý làm rách nát, hư hỏng, biến dạng tiền Việt Nam.
Do đó, có thể thấy, tiền cũng được coi là một loại tài sản và khi người dân mua bán cây được trang trí bằng tiền thật mà số tiền này không bị hư hỏng thì hoàn toàn được phép bởi pháp luật không cấm trường hợp này.
Ngược lại, nếu mua bán cây được trang trí bằng tiền thật nhưng số tiền được sử dụng để trang trí lại bị hư hỏng do hành vi hủy hoại tiền Việt Nam thì đây chính là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện có thể bị phạt về hành vi này.
3.Hành vi hủy hoại tiền bị phạt bao nhiêu tiền?
Người nào có hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:
Căn cứ khoản 3 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, người nào thực hiện hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng.
Ngoài ra, toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm cũng sẽ được giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Để xử lý số tiền bị hủy hoại trái pháp luật, Điều 15 Nghị định 87/2023/NĐ-CP quy định:
– Bộ Công an, Bộ Quốc phòng giữ lại làm tư liệu nghiên cứu. Tiền này sẽ được phân loại, kiểm đếm để theo dõi, lưu giữ, bảo quản đầy đủ an toàn trong quá trình sử dụng.
– Khi giao nhận tiền bị hủy hoại trái pháp luật theo tờ hoặc miếng và được kiểm đếm, sắp xếp, phân loại, bảo quản, vận chuyển, đóng gói đảm bảo nguyên vẹn, an ninh, an toàn, tránh nhầm lẫn.
– Ngân hàng Nhà nước thu nhận tiền bị hủy hoại trái pháp luật để thực hiện tiêu hủy.
Nguồn: Luatvietnam
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976