HÀNG HÓA MUA VÀO TRƯỚC 01/7, BÁN RA SAU 01/7, VAT 10% HAY 8%?
HÀNG HÓA MUA VÀO TRƯỚC 01/7, BÁN RA SAU 01/7, VAT 10% HAY 8%?
Mua vào trước 01/7, bán ra sau 01/7, VAT 10% hay 8%?
Nghị định 44/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, do đó, hàng hóa thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT khi bán ra sẽ chịu thuế suất VAT là 8% (không căn cứ vào thời điểm mua vào).
Trước tiên, cần hiểu được bản chất của thuế GTGT là loại thuế được cộng vào giá bán hàng hóa, dịch vụ và do người mua trả khi mua hàng/sử dụng dịch vụ, tuy nhiên, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là người trực tiếp nộp thuế.
Do đó, nhiều người lầm tưởng thuế GTGT do doanh nghiệp chịu nhưng doanh nghiệp chỉ là người nộp thay cho người tiêu dùng phần thuế này.
Hàng hoá được mua vào với thuế suất thuế VAT 10% thì trong kỳ tính thuế, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế, khấu trừ thuế GTGT.
Do đó, hàng hóa thuộc đối tượng giảm thuế dù đã được mua vào trước 01/7/2023 với thuế suất 10% thì khi bán ra sau 01/7/2023 vẫn phải xuất hóa đơn theo thuế suất 8%.
Vấn đề đặt ra là khi hàng hóa bán ra với thuế suất 8% thì có phải doanh nghiệp đang bị thiệt 2% VAT hay không?
Ví dụ: Doanh nghiệp mua hàng với giá 01 tỷ đồng (tháng 6/2023), thuế suất 10% → trả nhà cung cấp 100 triệu đồng thuế VAT.
Tháng 7/2023, bán các mặt hàng này ra, giả sử giá bán ra bằng giá mua là 01 tỷ đồng (để dễ hình dung còn đương nhiên giá bán sẽ phải cao hơn giá mua vào), thuế suất 8% → số thuế là 80 triệu đồng → doanh nghiệp sẽ được khấu trừ 20 triệu đồng vào kỳ tiếp theo.
Thực tế 20 triệu đồng này không mất đi mà sẽ được khấu trừ vào kỳ tính thuế tiếp theo, do đó, doanh nghiệp không bị thiệt 2% thuế VAT.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ là người nộp thay thuế VAT, tháng 6 phải bỏ ra 100 triệu đồng tiền thuế VAT nhưng tháng 7 chỉ thu về 80 triệu đồng tiền thuế VAT, 20 triệu đồng lại phải đợi tới kỳ thuế tiếp theo mới thu về được nên sẽ dễ nhầm tưởng là doanh nghiệp lỗ 2% thuế này.
Xuất sai thuế suất 10% thành 8% xử lý thế nào?
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, người bán và người mua thỏa thuận với nhau để chọn 01 trong 02 cách giải quyết sau:
Cách 1: Lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót
– Bên bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót để gửi cho bên mua.
– Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
Nội dung cần ghi trên hóa đơn điều chỉnh: Với điều chỉnh tăng thì ghi dấu dương, với điều chỉnh giảm thì ghi dấu âm đúng với thực tế điều chỉnh.
Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót sau đó gửi cho người mua (đối với hóa đơn điện tử không có mã) hoặc gửi cho cơ quan thuế cấp mã và sau đó gửi cho người mua (đối với hóa đơn điện tử có mã).
Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh sai sót thì 02 bên ghi rõ sai sót trong văn bản thỏa thuận. Trường hợp này không cần nộp Mẫu 04/SS-HĐĐT cho cơ quan thuế.
Cách 2: Lập hóa đơn điện tử mới thay thế
– Bên bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót để gửi cho bên mua.
– Trường hợp bên bán và bên mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn ban đầu có sai sót 02 bên ghi rõ sai sót vào văn bản, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó gửi cho người mua (đối với hóa đơn điện tử không có mã) hoặc gửi cho cơ quan thuế cấp mã và sau đó gửi cho người mua (đối với hóa đơn điện tử có mã).
Nguồn: Luatvietnam
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976