HÀNH VI “CHẶT CHÉM” KHÁCH BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
HÀNH VI “CHẶT CHÉM” KHÁCH BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Chị Nguyễn Minh H (huyện D, tỉnh Nghệ An) và gia đình nhân dịp nghỉ Tết dài ngày vừa qua có đi du xuân tại các tỉnh phía Bắc. Khi đến một số địa điểm thì chị thấy giá cả hàng hóa, dịch vụ cao gấp nhiều lần so với giá niêm yết. Đặc biệt có những nhà hàng, quán ăn có hành vi niêm yết giá không rõ ràng, “chặt chém” du khách.
Chị H hỏi: Hành vi niêm yết giá không rõ ràng, bán giá cao hơn giá niêm yết, “chặt chém” khách bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Hành vi niêm yết giá không rõ ràng, bán giá cao hơn giá niêm yết, đặc biệt là việc “chặt chém” khách là một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm cũng như rất bức xúc nhất là trong những dịp Lễ, Tết. Những hành vi này đã làm mất đi hình ảnh đẹp của điểm du lịch cũng như ảnh hưởng đến tâm lý khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ của du khách.
Khoản 15 Điều 4, khoản 2, khoản 3 Điều 29 Luật Giá 2023 quy định rõ việc niêm yết giá là hình thức công khai mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm bảo đảm thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi thực hiện việc niêm yết giá, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá phải bảo đảm rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng; các tổ chức, cá nhân không được bán cao hơn giá niêm yết và phải điều chỉnh kịp thời khi có sự thay đổi về giá của hàng hóa, dịch vụ. Do đó, hành vi các tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tình hình giá cả để niêm yết giá không rõ ràng, tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ lên cao đột ngột so với giá quy định, giá niêm yết, “chặt chém” khách nhằm mục đích trục lợi là hành vi vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo đó, đối với hành vi niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi vi phạm. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm buộc phải thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định.
Đối với hành vi bán giá cao hơn so với giá niêm yết, “chặt chém” khách thì theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu người vi phạm là tổ chức. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá niêm yết vào ngân sách nhà nước.
Công ty Luật Trọng Hải & Cộng sự

Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Địa chỉ: số 65 đường Lý Tự Trọng, phường Vinh Phú, tỉnh Nghệ An
luattronghai@gmail.com
0913 766 976