HÀNH VI RẢI ĐINH TRÊN ĐƯỜNG BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
HÀNH VI RẢI ĐINH TRÊN ĐƯỜNG BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Anh Nguyễn Văn N (huyện D, tỉnh Nghệ An) cho biết bản thân anh cũng như nhiều người tham gia giao thông khác cũng vài ba lần gặp trường hợp đang điều khiển xe lưu thông trên đường thì bị cán phải các vật nhọn, trong đó là các loại đinh có hình thoi. Điều này dẫn đến nhiều nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện khi đang lưu thông.
Anh N hỏi: Hành vi rải đinh trên đường theo quy định của pháp luật bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Hành vi rải đinh trên đường hay thường được gọi là “Đinh tặc” là hành vi vừa gây bức xúc, vừa gây cản trở giao thông, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì hành vi đặt, rải vật nhọn (cụ thể là rải đinh nhọn) là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, vì mục đích kiếm lời mà các “đinh tặc” vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi rải đinh trên đường dẫn đến các phương tiện giao thông bị cán đinh (như bị thủng ruột xe,…) và buộc người điều kiển phương tiện giao thông đó phải dừng lại để sửa chữa với giá đắt đỏ. Bên cạnh những trường hợp chỉ phải sửa chữa phương tiện thì cũng có rất nhiều trường hợp xảy ra tai nạn với những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người điều khiển phương tiện do cán phải đinh trong điều kiện thời tiết xấu, trời tối hoặc cán phải đinh khi đang lưu thông với tốc độ cao trên đường cao tốc. Có thể thấy, hành vi rải đinh trên đường của các “đinh tặc” là hành vi vô cùng nguy hiểm, vi phạm quy định pháp luật và cần phải xử phạt thật nghiêm khắc.
Tùy theo mức độ nghiêm trọng do hành vi gây ra mà người thực hiện hành vi rải đinh sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, tại điểm a khoản 10 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ, theo đó, hành vi ném đinh, rải đinh, hoặc vật sắc nhọn khác,…gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông thì bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Ngoài ra, nếu người thực hiện hành vi rải đinh là người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng và buộc phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra theo quy định tại khoản 11, điểm b khoản 12 Điều 11 Nghị định này.
Trong trường hợp hành vi rải đinh trên đường có đầy đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị khởi tố về tội “Cản trở giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và cao nhất là bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
Không những vậy, do mục đích chính là để làm hư hỏng phương tiện (chủ yếu là hỏng lốp xe) nên người thực hiện hành vi rải đinh còn có thể sẽ bị khởi tố về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và cao nhất là bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm tùy vào mức độ thiệt hại do hành vi gây ra. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Công ty Luật Trọng Hải & Cộng sự
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976