KINH DOANH HÀNG BÁNH KẸO HẾT “DATE” BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

KINH DOANH HÀNG BÁNH KẸO HẾT “DATE” BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

Chị Lê Mai T (huyện D, tỉnh Nghệ An) cho biết gần đến Tết Nguyên đán ở các tiệm bán hàng tạp hóa có rất nhiều mặt hàng với mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên, có một số cửa hàng do lượng hàng tồn kho còn nhiều nên có bán cho khách hàng những mặt hàng bánh kẹo cận “date”, thậm chí là hàng hết “date”

Chị T hỏi: Việc cửa hàng tạp hóa bán bánh kẹo hết “date” bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời:

Khoản 11 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định: “hạn sử dụng” hoặc “hạn dùng” được hiểu là thời gian nhất định được xác định cho một mặt hàng hoặc một lô hàng cụ thể. Sau thời gian này, mặt hàng không còn đảm bảo đầy đủ các yếu tố chất lượng mà nó đã có ban đầu. Thời hạn sử dụng của một mặt hàng được biểu thị bằng một khoảng thời gian tính từ ngày sản xuất đến ngày hết hạn, hoặc có thể được biểu thị bằng ngày, tháng, năm hết hạn. Trong trường hợp chỉ có tháng và năm được ghi rõ, thì hạn sử dụng được tính đến ngày cuối cùng của tháng hết hạn. Như vậy, có thể hiểu rằng bán hàng hết “date” là việc bán những hàng hóa, sản phẩm đã quá hạn sử dụng được ghi trên bao bì.

Các sản phẩm hết hạn sử dụng, hết “date” thường sẽ bị suy giảm chất lượng, mất đi các chất dinh dưỡng hoặc phát sinh các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng của người tiêu dùng và làm giảm giá trị của sản phẩm. Bởi vậy, việc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa đã hết hạn có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí còn đe dọa tính mạng. Do đó, việc các tiệm tạp hóa kinh doanh các sản phẩm bánh kẹo hết “date” là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu mức xử phạt nghiêm khắc.

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP), tùy thuộc vào mức độ vi phạm (tức là phụ thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm), cá nhân/tổ chức bán các mặt hàng hết “date” sẽ bị phạt cảnh cáo đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng (trường hợp này còn có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng – 500.000 đồng). Đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Mức phạt tiền này được áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bởi tổ chức thì mức phạt tiền sẽ tăng gấp đôi so với mức phạt tiền quy định đối với cá nhân. Ngoài mức phạt tiền nói trên, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật vi phạm hoặc bị buộc phải tiêu hủy tang vật vi phạm. Trong trường hợp này, bánh kẹo hết “date” được coi là tang vật vi phạm gây hại nên sẽ bị tịch thu hoặc buộc phải tiêu hủy để đảm bảo an toàn vệ sinh và ngăn chặn sự lây lan của sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Đồng thời, người vi phạm cũng phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hoạt động kinh doanh bánh kẹo hết “date” theo quy định tại khoản 13, 14 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).

Tóm lại, để đảm bảo an toàn và chất lượng của sản phẩm, sức khỏe của mình và gia đình, người tiêu dùng nên tuân thủ quy định về hạn sử dụng mà nhà sản xuất đưa ra. Trong quá trình mua hàng, nên kiểm tra thật kỹ lưỡng thông tin ngày hết hạn trên bao bì và tránh mua các sản phẩm đã hết hạn sử dụng.

Công ty Luật Trọng Hải & Cộng sự

 


Tác giả: được đăng vào lúc Tháng Một 18th, 2024 trong danh mục Hỏi - đáp
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nguyen Trong Hai

Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải

Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

vplstronghai.nghean@gmail.com

0913 766 976



0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Share via
Copy link
Powered by Social Snap