KINH DOANH PHÁO HOA “KHÔNG NỔ” TRÊN MẠNG XÃ HỘI CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT?
KINH DOANH PHÁO HOA “KHÔNG NỔ” TRÊN MẠNG XÃ HỘI CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT?
Anh Lê Văn Q (huyện Q, tỉnh Nghệ An) cho biết thời điểm cuối năm, đặc biệt là khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… lại rầm rộ việc các cá nhân, tổ chức tự ý quảng cáo, giới thiệu, đăng bài rao bán loại pháo hoa không nổ do Nhà máy Z121 sản xuất.
Anh Q hỏi: Hành vi kinh doanh pháo hoa “không nổ” này trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?
Trả lời:
Pháp luật cho phép người dân được phép sử dụng những loại pháo hoa không gây tiếng nổ do Công ty TNHH Một thành viên hoá chất 21 (Nhà máy Z121) thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất trong những dịp lễ, Tết, trong những dịp kỷ niệm cá nhân. Tuy nhiên, việc sử dụng và mua bán loại pháo hoa này phải có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước để đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ.
Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về việc sử dụng đối với pháo hoa như sau: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về các điều kiện đối với việc kinh doanh pháo hoa bao gồm: Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường; Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy; Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn và chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Như vậy, chỉ các tổ chức, cá nhân nào đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và nộp hồ sơ thủ tục được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 137/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 56/2023/NĐ-CP) thì mới được mua bán pháo hoa. Đối với các cơ sở kinh doanh đã được cấp phép mua bán pháo hoa do nhà máy Z121 sản xuất thì phải tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn và cũng chỉ những cơ sở kinh doanh được cấp phép này mới được phép quảng cáo, bán hàng trên các nền tảng điện tử. Do đó, hành vi của các cá nhân, tổ chức tự ý quảng cáo, giới thiệu, rao bán pháo hoa không nổ do nhà máy Z121 sản xuất mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về kinh doanh ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự khi chưa được cấp Giấy chứng nhận với số tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Tóm lại, pháo hoa là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần được bảo quản cẩn thận, ngay cả người bán cũng phải được huấn luyện an toàn để phòng, chống cháy nổ. Bởi vậy, để việc sử dụng pháo hoa được an toàn và đảm bảo đúng quy định pháp luật, người dân nên mua và sử dụng loại pháo hoa được giới thiệu và bán tại các điểm kinh doanh đủ điều kiện đã được Nhà nước cấp phép.
Công ty Luật Trọng Hải & Cộng sự

Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Địa chỉ: số 65 đường Lý Tự Trọng, phường Vinh Phú, tỉnh Nghệ An
luattronghai@gmail.com
0913 766 976