LÀM VIỆC TẠI NHÀ HÀNG CÓ PHẢI KÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG KHÔNG?
LÀM VIỆC TẠI NHÀ HÀNG CÓ PHẢI KÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG KHÔNG?
Căn cứ quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng với họ.
Hợp đồng lao động có thể được giao kết bằng lời nói, văn bản hoặc thông qua hợp đồng lao động điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu. Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản trong các trường hợp sau:
1.Hợp đồng lao động giao kết với những người lao động khác có thời hạn từ 1 tháng trở lên theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Lao động 2019.
Theo đó, hợp đồng lao động phải được làm thành 2 bản, người lao động giữ một bản, người sử dụng lao động giữ một bản.
2.Hợp đồng lao động sử dụng người dưới 15 tuổi theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019.
Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó.
3.Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình, theo quy định tại khoản 1 Điều 162 Bộ luật Lao động 2019.
4.Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động theo khoản 2 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019.
Không ký hợp đồng lao động chủ sử dụng lao động sẽ bị xử phạt
Theo đó, chủ sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
“Điều 8. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
1.Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên….:
a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên…”.
Không ký hợp đồng lao động có đòi được lương hay không?
Việc không giao kết hợp đồng là một hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động. Tuy nhiên; đối với người lao động vẫn có đầy đủ quyền để đòi trả lương từ họ.
Trên thực tế, người lao động có làm việc tại nhà hàng; hai bên có thỏa thuận về công việc và lương, hình thức giao kết hợp đồng bằng lời nói; nên người lao động và công ty vẫn tồn tại một quan hệ lao động. Do đó; người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trả tiền lương đối với người lao động.
Về việc trả lương; điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động”.
Cho nên nếu không được trả lương, người lao động có thể khiếu nại đến phòng Lao động Thương binh và Xã hội nơi công ty đóng trụ sở; hoặc khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976