LÀM VIỆC THEO HỢP ĐỒNG NÀO KHÔNG PHẢI ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI?
LÀM VIỆC THEO HỢP ĐỒNG NÀO KHÔNG PHẢI ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI?
1.Ký loại hợp đồng nào không phải đóng BHXH?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ áp dụng đối với hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.
Do đó, để không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động và doanh nghiệp cần lực chọn ký một trong các loại hợp đồng sau đây:
(1) Ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Nếu như khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì ngược lại, người lao động và doanh nghiệp chỉ cần ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng thì sẽ không phải đóng bảo hiểm.
Căn cứ Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động dưới 01 tháng có thể ký dưới dạng văn bản hoặc dữ liệu điện tử, thậm chí còn có thể thỏa thuận miệng.
Tuy nhiên, loại hợp đồng này chỉ được ký tối đa 02 lần theo điểm c khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động.
(2) Ký hợp đồng thử việc.
Hợp đồng này được ký khi người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về việc làm thử. Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ áp dụng đối với hợp đồng lao động. Trường hợp ký hợp đồng thử việc sẽ không cần đóng bảo hiểm xã hội.
(3) Ký hợp đồng cộng tác viên hoặc hợp đồng khoán việc.
Bản chất 02 loại hợp đồng trên là hợp đồng dịch vụ chứ không phải hợp đồng lao động nên các bên không phải đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
(4) Ký hợp đồng lao động không trọn thời gian và có giới hạn về thời gian làm việc trong tháng.
Theo khoản 3 Điều 32 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng quyền lợi như người làm trọn thời gian. Tuy nhiên, trường hợp không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó sẽ không tính đóng bảo hiểm xã hội.
Do đó, để không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tổng thời gian không làm việc trong tháng của người lao động partime phải đảm bảo có từ 14 ngày làm việc trở lên.
2.Không đóng BHXH, người lao động có được thay thế quyền lợi khác?
Theo khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì được doanh nghiệp trả thêm một khoản tiền tương ứng với mức đóng các loại bảo hiểm của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quyền lợi này chỉ áp dụng với những người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên nhưng thuộc diện không phải đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 4 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, bao gồm:
(1) Người giúp việc gia đình.
(2) Người đang hưởng lương hưu hằng tháng.
(3) Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng sinh hoạt phí đối với cán bộ cấp xã tại Nghị định 09/1998/NĐ-CP.
(4) Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
(5) Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg và Quyết định 613/QĐ-TTg năm 2010.
(6) Công an, bộ đội, người làm công tác cơ yếu đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định 38/2010/QĐ-TTg, Quyết định 53/2010/QĐ-TTg và Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.
3.Thuộc diện phải đóng BHXH nhưng không đóng, bị phạt thế nào?
Trường hợp thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc nhưng không đóng, cả người lao động và người sử dụng lao động đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính:
– Người lao động bị phạt lỗi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (theo khoản 1 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
– Người sử dụng lao động bị phạt về lỗi đóng bảo hiểm cho người lao động:
+ Đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm: Bị phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng (theo điểm c khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
+ Không đóng bảo hiểm cho toàn bộ người lao động: Bị phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng (theo khoản 6 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Nguồn: Luatvietnam
Tác giả: lephuong được đăng vào lúc Tháng mười một 30th, 2023 trong danh mục Hỏi - đáp, Tư vấn pháp luật
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976