LẮP CAMERA QUAY LÉN NGƯỜI KHÁC BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
LẮP CAMERA QUAY LÉN NGƯỜI KHÁC BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Chị Trần Quỳnh C (huyện N, tỉnh Nghệ An) cho biết thời gian gần đây qua các phương tiện truyền thông chị thấy có nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề lắp đặt camera để quay lén người khác. Việc lắp camera quay lén này được các đối tượng sử dụng với nhiều mục đích xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người bị quay lén.
Chị C hỏi: Hành vi lắp camera quay lén người khác theo quy định của pháp luật bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Hành vi lắp camera quay lén người khác được hiểu là hành vi sử dụng thiết bị là camera để ghi hình và lưu giữ hình ảnh của người khác mà không được người đó cho phép. Không những vậy, có những trường hợp lắp camera để quay lén các hình ảnh nhạy cảm, riêng tư của người khác để đe dọa khiến người bị quay lén hoảng sợ, hoang mang thậm chí tự tử…Hành vi này đã vi phạm các quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được quy định tại Điều 21 Hiến pháp 2013 cũng như tại các Điều 32, Điều 34 và Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, dù với mục đích gì thì cũng cần phải có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi lắp camera quay lén người khác.
Theo đó, nếu hành vi lắp camera quay lén người khác nhưng chưa đến mức truy cứu nhiệm hình sự thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý hoặc bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu có hành vi thu thập, sử dụng, phát tán thông tin cá nhân của người khác theo quy định tại Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân.
Về trách nhiệm hình sự, tùy vào tính chất hành vi, mức độ nghiêm trọng cũng như động cơ, mục đích của việc lắp camera quay lén người khác, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nếu hành vi lắp camera quay lén người khác với mục đích để xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác với mức hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Trường hợp lắp camera quay lén người khác nhằm mục đích tuyên truyền, đăng tải các hình ảnh, video quay lén có nội dung nhạy cảm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Bên cạnh đó, nếu người vi phạm sử dụng hình ảnh quay lén để đe dọa cưỡng ép chiếm đoạt tài sản thì còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ngoài ra, người bị quay lén có thể yêu cầu người thực hiện hành vi bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần với mức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì phải bồi thường tối đa là không quá 10 lần mức lương cơ sở.
Công ty Luật Trọng Hải & Cộng sự
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976