MUA BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN Ở ĐÂU?

MUA BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN Ở ĐÂU?

1.Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

1.1 Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là hình thức bảo hiểm mà người tham gia có thể thực hiện theo lựa chọn tham gia hoặc không, lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Đây là một trong hai loại hình tham gia bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để người tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

1.2 Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam ở độ tuổi từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Cụ thể, tại Điều 8 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm:

– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01/1/2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01/1/2018 trở về sau;

– Người hoạt động không chuyên ở thôn, ấp, bản, làng, sóc, tổ dân phố, khu phố;

– Người lao động làm giúp việc trong các gia đình;

– Người tham gia các hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ không được hưởng tiền lương;

– Xã viên làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không được hưởng tiền lương, tiền công;

– Nông dân, người lao động tự tạo ra việc làm cho bản thân và gia đình;

– Người lao động đủ điều kiện về tuổi nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu;

– Đối tượng tham gia khác.

2.Mua bảo hiểm xã hội tự nguyện ở đâu?

Theo quy định tại Điều 3 Quyết định 595/QĐ-BHXH, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể mua bảo hiểm xã hội tự nguyện tại cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi tạm trú hoặc thường trú.

3.Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về mức đóng hiểm xã hội tự nguyện như sau:

Mức đóng/tháng = 22% x Mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện – Mức nhà nước hỗ trợ đóng

Trong đó:

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn để đóng vào quỹ.

Mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn tức là 1,5 triệu đồng và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tức là 36 triệu đồng.

Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:

– Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;

– Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;

– Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Dựa vào điều kiện kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Nhà nước quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ví dụ: A không thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo và chọn mức lương đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 05 triệu đồng/tháng. Hằng tháng, A sẽ phải đóng số tiền như sau:

Mức đóng hằng tháng = 22% x 05 triệu đồng – (1.500.000 x 22% x 10%) = 1.067.000 đồng.

Về nguyên tắc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội quy định như sau:

– Mức hưởng bảo hiểm được tính dựa vào mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia đóng bảo hiểm xã hội;

– Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính dựa vào mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm lựa chọn;

– Người tham gia bảo hiểm vừa có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất dựa vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính bảo hiểm xã hội 01 lần không được tính để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội;

– Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý công khai, minh bạch, tập trung, thống nhất và Quỹ này được sử dụng đúng mục đích, hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước và người sử dụng lao động quyết định;

– Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, thuận tiện, dễ dàng và bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chọn một trong các phương thức đóng sau đây:

– Hằng tháng;

– 03 tháng/ lần;

– 06 tháng/ lần;

– 12 tháng/ lần;

– 01 lần cho nhiều năm với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc 01 lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng.

4.Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm mà người tham gia có thể lựa chọn mức đóng tùy theo khả năng và nhu cầu của mình.

Theo đó, việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ mang đến cho người tham gia bảo hiểm một số quyền lợi nhất định. Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm được hưởng các quyền lợi sau:

– Hưởng lương hưu hằng tháng;

– Hưởng bảo hiểm xã hội 01 lần;

– Được hưởng chế độ bảo hiểm y tế 95% khi khám, chữa bệnh;

– Chế độ tử tuất.

Nguồn: Luatvietnam


Tác giả: được đăng vào lúc Tháng sáu 10th, 2024 trong danh mục Hỏi - đáp, Tư vấn pháp luật
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nguyen Trong Hai

Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải

Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

vplstronghai.nghean@gmail.com

0913 766 976



0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Share via
Copy link
Powered by Social Snap