MỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI LỖI KHÔNG CÓ BẢO HIỂM XE MÁY
MỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI LỖI KHÔNG CÓ BẢO HIỂM XE MÁY
1.Bảo hiểm xe máy có bắt buộc phải mang theo khi tham gia giao thông không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:
Điều 56.Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1.Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ người lái xe gắn máy quy định tại khoản 4 Điều này. Khi tham gia giao thông đường bộ, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau đây:
…d) Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
2.Người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng phù hợp loại xe máy chuyên dùng đang điều khiển; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Khi tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải mang theo các loại giấy tờ sau đây:
…đ)Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật….
Như vậy, khi tham gia giao thông đường bộ, người lái xe máy vẫn phải mang theo chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bảo hiểm xe máy) theo quy định của pháp luật.
2.Lỗi không có bảo hiểm xe máy bị xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau:
Điều 18.Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
…2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy kinh doanh vận tải không mang theo chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
c) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy kinh doanh vận tải không mang theo chứng nhận đăng ký xe (hoặc bản sao chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm theo bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giữ bản gốc chứng nhận đăng ký xe);
d) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô kinh doanh vận tải không mang theo giấy phép lái xe trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 Điều này….
Như vậy, lỗi bảo hiểm xe máy hết hạn có thể xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng như sau:
– Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy kinh doanh vận tải không mang theo chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
– Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 19 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe máy chuyên dùng thì người điều khiển xe máy chuyên dùng không có bảo hiểm xe máy sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
3.Nội dung bảo hiểm xe máy bắt buộc gồm những gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định nội dung bảo hiểm xe máy bắt buộc như sau:
– Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của chủ xe cơ giới.
– Biển số xe và số khung, số máy.
– Loại xe, trọng tải, số chỗ, mục đích sử dụng đối với xe ô tô.
– Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.
– Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với người thứ ba.
– Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn.
– Thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.
– Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
– Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp bảo hiểm và định danh sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Nguồn: TVPL

Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Địa chỉ: số 65 đường Lý Tự Trọng, phường Vinh Phú, tỉnh Nghệ An
luattronghai@gmail.com
0913 766 976