NGHỈ HẾT 6 THÁNG THAI SẢN, XIN NGHỈ THÊM ĐƯỢC KHÔNG?
NGHỈ HẾT 6 THÁNG THAI SẢN, XIN NGHỈ THÊM ĐƯỢC KHÔNG?
1.Hết thời gian nghỉ thai sản, sau bao lâu phải trở lại công ty?
Theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động nữ nghỉ thai sản sinh con sẽ được nghỉ làm hưởng chế độ thai sản cho cơ quan BHXH chi trả trong gian như sau:
– Sinh 01 con: Nghỉ trước và sau sinh con với tổng thời gian 06 tháng.
– Sinh từ 02 con trở lên:
Nghỉ trước và sau sinh với tổng thời gian = 06 tháng + 01 tháng x (Số con – 1)
Trong đó, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh con không được vượt quá 02 tháng.
Sau khi nghỉ hết thời gian nói trên, người lao động cần quay trở lại doanh nghiệp làm việc. Hiện nay Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn hướng dẫn đều không quy định rõ thời gian mà người lao động phải trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản.
Tuy nhiên, theo Điều 30 Bộ luật Lao động, trường hợp nghỉ thai sản khi sinh con không phải các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động nên ngay cả khi người lao động nghỉ thai sản thì hợp đồng lao động vẫn đang tiếp diễn. Việc nghỉ thai sản không làm chấm dứt hay tạm hoãn hợp đồng.
Vì vậy, sau khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định người lao động cần trở lại làm việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2.Nghỉ hết 6 tháng thai sản, xin nghỉ thêm được không?
Trường hợp đã nghỉ hết thời gian nghỉ chế độ thai sản mà lao động nữ vẫn muốn nghỉ thêm thì có thể thực hiện theo một trong hai cách sau đây:
Cách 1. Xin nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản
Theo quy định tại Điều 41 Luật BHXH năm 2014, người lao động ngay sau thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản mà trở lại làm việc, nếu trong 30 ngày đầu làm việc, sức khoẻ chưa phục hồi thì sẽ được giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản từ 05 – 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, Tết và nghỉ hằng tuần).
Số ngày nghỉ cụ thể sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng không vượt quá:
– Tối đa 10 ngày: Lao động nữ sinh đôi trở lên.
– Tối đa 07 ngày: Lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.
– Tối đa 05 ngày: Các trường hợp còn lại.
Với mỗi ngày nghỉ, người lao động sẽ được cơ quan BHXH thanh toán 30% mức lương cơ sở.
Ưu điểm của cách nghỉ này là người lao động sẽ có thu nhập dù không đi làm. Tuy nhiên thời gian nghỉ lại ngắn, chỉ từ 05 – 10 ngày.
Cách 2: Thỏa thuận với doanh nghiệp về việc nghỉ làm không lương
Cách này được nêu rõ tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
3.Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Théo quy định này, người lao động có nhu cầu nghỉ thêm thì hoàn toàn có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ làm không hưởng lương. Để có thể nghỉ thêm trong trường hợp này, người lao động bắt buộc phải có được sự đồng ý từ người sử dụng lao động.
Ưu điểm của cách này là người lao động có thể nghỉ làm trong thời gian dài nhưng nhược điểm là không được trả lương, không có thu nhập trong thời gian nghỉ.
Nguồn: Luatvietnam
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976