QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI ĐÃ NGHỈ HƯU NHƯNG VẪN ĐI LÀM

QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI ĐÃ NGHỈ HƯU NHƯNG VẪN ĐI LÀM

Bác Nguyễn Văn N (thành phố V, tỉnh Nghệ An) cho biết bác vừa được nhận quyết định về việc nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí từ cơ quan. Tuy đã có quá trình công tác nhiều năm nhưng nay khi nhận quyết định về nghỉ hưu bác vẫn có mong muốn được đi làm thêm.

Bác N hỏi: Trường hợp đã nghỉ hưu nhưng vẫn đi làm thì có bị cắt lương hưu không? Việc ký hợp đồng được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 148 Bộ Luật Lao động năm 2019 thì những người lao động tiếp tục đi làm sau độ tuổi nghỉ hưu sẽ được xếp vào nhóm người lao động cao tuổi. Khoản 2 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động. Như vậy, người đã nghỉ hưu nhưng vẫn đi làm sẽ không bị cắt lương hưu. Hằng tháng, người lao động ngoài nhận được tiền lương do người sử dụng lao động chi trả thì vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán đủ lương hưu theo lịch chi trả cố định.

Về việc ký hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi, khoản 1 Điều 149 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định: Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn. Như vậy, kể cả khi đang hưởng lương hưu, người lao động đi làm vẫn sẽ được ký hợp đồng lao động bình thường. Tuy nhiên, với đặc điểm của người lao động đã nghỉ hưu là tình trạng sức khỏe có nhiều hạn chế, tuổi tác đã cao nên trong nội dung hợp đồng đối với những người lao động này phải đảm bảo một số đặc quyền mà pháp luật đã quy định như: Không phải làm công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn; Được thỏa thuận về việc rút ngắn giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Ngoài ra, liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động là người nghỉ hưu đi làm thì theo khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người nghỉ hưu đi làm không phải đóng bảo hiểm xã hội bởi người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cùng với việc không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, hằng tháng, người lao động cao tuổi còn được người sử dụng lao động chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và được chuyển cùng lúc với kỳ trả lương.

Có thể nói, việc người lao động đã nghỉ hưu quay lại tiếp tục làm việc hiện nay không hề hiếm gặp. Pháp luật cho phép sử dụng người lao động cao tuổi để làm việc nhưng với những đặc thù riêng của nhóm lao động này nên người sử dụng lao động cần có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc cũng như bảo đảm quyền lao động của người lao động cao tuổi một cách hiệu quả để họ được tiếp tục đóng góp những kinh nghiệm lao động sản xuất của mình vào sự nghiệp phát triển chung của nền kinh tế.

Công ty Luật Trọng Hải & Cộng sự


Tác giả: được đăng vào lúc Tháng mười 4th, 2024 trong danh mục Hỏi - đáp, Tư vấn pháp luật
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nguyen Trong Hai

Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải

Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

vplstronghai.nghean@gmail.com

0913 766 976



0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Share via
Copy link
Powered by Social Snap