THANH TOÁN BẰNG ĐỒNG PI CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT?
THANH TOÁN BẰNG ĐỒNG PI CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT?
Anh Nguyễn H (huyện T, tỉnh Nghệ An) cho biết hiện nay, đồng tiền số Pi Network đang là chủ đề được bàn tán sôi nổi trên các trang mạng xã hội. Thậm chí nhiều người còn sử dụng đồng Pi để thanh toán các giao dịch mua hàng như mua điện thoại, đồ ăn…
Anh H hỏi: Tiền ảo Pi (đồng Pi) có được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam không? Nếu không thì việc sử dụng đồng Pi để làm phương tiện thanh toán bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Sau thông tin đồng tiền Pi Network (tiền ảo Pi, đồng Pi) chính thức lên sàn thì thời gian gần đây, có rất nhiều các hội nhóm trên các trang mạng xã hội đăng tải những nội dung về việc chấp nhận các giao dịch bằng đồng Pi. Các giao dịch này được thực hiện một cách công khai, rầm rộ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 thì phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Bên cạnh đó, tại Công văn 5747/NHNN-PC năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước cũng đã nói rõ rằng tiền ảo nói chung (bao gồm Bitcoin, Litecoin hay đồng Pi…) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Điều này cũng được thể hiện trong nội dung Công văn 14756/BTC-UBCK năm 2021 của Bộ Tài chính là tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Ngoài ra, theo khoản 10, khoản 11 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về những phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán hợp pháp tại Việt Nam bao gồm: séc, lệnh chi; ủy nhiệm chi, nhờ thu; uy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (bao gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), ví điện tử cùng các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Những phương tiện thanh toán không thuộc quy định trên là những phương tiện không hợp pháp.
Như vậy, có thể khẳng định rằng tính đến thời điểm hiện nay, tiền ảo Pi (đồng Pi) chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Điều này đồng nghĩa với việc đồng Pi không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Do đó, việc phát hành, cung ứng và sử dụng đồng Pi làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm và sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Theo đó, hành vi sử dụng đồng Pi để làm phương tiện thanh toán nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm quy định về hoat động thanh toán với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu người vi phạm là tổ chức. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm; buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bản hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm.
Trường hợp hành vi sử dụng đồng Pi để làm phương tiện thanh toán mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tổ chức, cá nhân còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, tùy vào mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Công ty Luật Trọng Hải & Cộng sự

Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Địa chỉ: số 65 đường Lý Tự Trọng, phường Vinh Phú, tỉnh Nghệ An
luattronghai@gmail.com
0913 766 976