
TỪ 01/7/2025, NGƯỜI DÂN ĐĂNG KÝ HỘ KINH DOANH Ở ĐÂU?
1.Từ 01/7/2025, người dân đăng ký hộ kinh doanh ở đâu?
Căn cứ Điều 33 Nghị định 125/2025/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, thẩm quyền đăng ký hộ kinh doanh như sau:
Điều 33.Nhiệm vụ, thẩm quyền đăng ký hộ kinh doanh
1.Nhiệm vụ, thẩm quyền đăng ký hộ kinh doanh của Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện (sau đây gọi là Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện) được quy định tại các Điều 82, 83, 85, 87, 89, 90, 91, 92, 93 và 94 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp do cơ quan chuyên môn hoặc tổ chức hành chính được Ủy ban nhân dân cấp xã giao thực hiện (sau đây gọi là Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã).
2.Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã tiếp nhận, giải quyết việc đăng ký hộ kinh doanh được quy định tại khoản 1 Điều này theo trình tự, thủ tục quy định tại các Điều 82, 83, 85, 87, 89, 90, 91, 92, 93 và 94 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.
3.Biểu mẫu sử dụng trong đăng ký hộ kinh doanh thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Dẫn chiếu tại Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký hộ kinh doanh như sau:
Điều 87.Đăng ký hộ kinh doanh
1.Đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
2.Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:
a)Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
b)Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
c)Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
d)Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh…
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 44 Nghị định 125/2025/NĐ-CP quy định hiệu lực thi hành như sau:
Điều 44.Hiệu lực thi hành
1.Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
2.Nghị định này hết hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2027 trừ các trường hợp sau:
a)Bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Chính phủ đề xuất và được Quốc hội quyết định kéo dài thời gian áp dụng toàn bộ hoặc một phần Nghị định này;
b)Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này được thông qua hoặc ban hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 và có hiệu lực trước ngày 01 tháng 3 năm 2027 thì quy định tương ứng trong Nghị định này hết hiệu lực tại thời điểm các văn bản quy phạm pháp luật đó có hiệu lực.
3.Trong thời gian các quy định của Nghị định này có hiệu lực, nếu quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước, trình tự, thủ tục trong Nghị định này khác với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này…
Theo đó, từ 01/7/2025, nhiệm vụ, thẩm quyền đăng ký hộ kinh doanh được quy định tại các Điều 82, 83, 85, 87, 89, 90, 91, 92, 93 và 94 Nghị định 01/2021/NĐ-CP sẽ được chuyển giao từ cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sang cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã thực hiện.
Như vậy, từ 01/7/2025, đăng ký hộ kinh doanh sẽ được thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã thay vì cấp huyện như hiện nay.
2.Quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 81 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh như sau:
– Chủ hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
– Chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
– Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.
– Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
3.Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm không?
Căn cứ Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh như sau:
Điều 86.Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh
1.Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.
2.Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.
Như vậy, một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.
Nguồn: TVPL
Thực hiện: Luật sư Minh Huyền