UỶ QUYỀN CHO NGƯỜI KHÁC SANG TÊN SỔ ĐỎ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
UỶ QUYỀN CHO NGƯỜI KHÁC SANG TÊN SỔ ĐỎ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự nêu rõ:
1.Cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Bởi vậy, cá nhân hoàn toàn có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện các giao dịch dân sự trừ một số trường hợp cấm không được uỷ quyền như: Đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha mẹ con, ly hôn, gửi tiền tiết kiệm, công chứng di chúc của mình…
Đồng thời, pháp luật hiện nay không hạn chế việc uỷ quyền giữa cá nhân khi sang tên Sổ đỏ. Do đó, khi sang tên Sổ đỏ thì cá nhân hoàn toàn có thể uỷ quyền cho nhau. Thông thường, uỷ quyền sang tên Sổ đỏ thường có hai dạng công việc gồm:
– Uỷ quyền thực hiện ký kết hợp đồng mua bán, tặng cho, thừa kế… để xác lập quyền sở hữu tài sản của người uỷ quyền.
– Uỷ quyền làm các thủ tục hành chính để sang tên Sổ đỏ như nộp hồ sơ, nộp các loại thuế, nhận kết quả từ bộ phận Một Cửa của Văn phòng đăng ký đất đai…
Tuy nhiên, dù uỷ quyền làm Sổ đỏ theo hình thức nào thì khi lập uỷ quyền sang tên Sổ đỏ, người được uỷ quyền sẽ được toàn quyền thay mặt người uỷ quyền thực hiện các công việc trong phạm vi uỷ quyền.
Như vậy, cá nhân hoàn toàn được uỷ quyền cho nhau để sang tên Sổ đỏ.
Thủ tục uỷ quyền sang tên Sổ đỏ thực hiện thế nào?
Để uỷ quyền, các bên thường lập hợp đồng hoặc giấy uỷ quyền. Tuy nhiên, hiện Bộ luật Dân sự chỉ đề cập đến hợp đồng uỷ quyền tại Điều 562 Bộ luật Dân sự như sau:
Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định
Trong khi đó, giấy uỷ quyền là hành vi pháp lý đơn phương và chưa được quy định cụ thể tại văn bản pháp luật nào.
Đồng thời, Luật Công chứng, Luật Đất đai cũng không bắt buộc hợp đồng uỷ quyền/giấy uỷ quyền phải công chứng, chứng thực. Nhưng để đảm bảo an toàn, tránh tranh chấp xảy ra, các bên nên công chứng hoặc chứng thực hợp đồng/giấy uỷ quyền.
Dưới đây là thủ tục công chứng hợp đồng uỷ quyền được thực hiện tại Văn phòng hoặc Phòng công chứng.
Đến đâu để công chứng?
Căn cứ Điều 42 Luật Công chứng năm 2015, công chứng văn bản uỷ quyền liên quan đến bất động sản có thể thực hiện ở bất kỳ địa phương nào. Đồng nghĩa, không giống các giao dịch khác về bất động sản phải đến thực hiện tại Văn phòng/Phòng công chứng đặt trụ sở tại nơi có bất động sản.
Do đó, khi uỷ quyền sang tên Sổ đỏ, người dân có thể đến bất kỳ Văn phòng hoặc Phòng công chứng nào để thực hiện thủ tục công chứng này.
Đặc biệt, theo khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng, bên uỷ quyền và bên nhận uỷ quyền còn có thể đến hai Văn phòng/Phòng công chứng khác nhau để thực hiện thủ tục công chứng văn bản uỷ quyền:
– Bên được uỷ quyền đến Văn phòng/Phòng công chứng ở nơi mình cư trú để công chứng văn bản uỷ quyền.
– Bên nhận uỷ quyền đến tổ chức hành nghề công chứng nơi mình cư trú để công chứng tiếp vào văn bản uỷ quyền gốc đã được công chứng trước đó và hoàn tất các thủ tục còn lại.
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976