VỢ CHỒNG MUỐN MỘT MÌNH ĐỨNG TÊN SỔ ĐỎ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
VỢ CHỒNG MUỐN MỘT MÌNH ĐỨNG TÊN SỔ ĐỎ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
1.Vợ chồng muốn đứng tên một mình trên Sổ đỏ được không?
Việc ghi tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được pháp luật đất đai quy định rõ cho dù nhà đất được chứng nhận là tài sản riêng hay tài sản chung.
Theo quy định của pháp luật, vợ hoặc chồng có thể đứng tên một mình trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cụ thể:
Khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai năm 2024 quy định:
“Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người để đứng tên làm đại diện cho vợ và chồng”.
Không chỉ Luật Đất đai quy định về nội dung này mà tại khoản 1 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung như sau:
“Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”.
Như vậy, nhà đất là tài sản chung thì phải ghi cả tên vợ và chồng vào giấy chứng nhận. Trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận thì được phép ghi tên một người.
Ngoài ra, trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu theo khoản Khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai.
2.Ghi tên một người nhưng không được tự ý bán
Căn cứ Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trường hợp nhà đất là tài sản chung nhưng chỉ đứng tên vợ hoặc tên chồng thì người đứng tên không được tự ý chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn,…mà phải có sự thỏa thuận của vợ chồng bằng văn bản.
Trường hợp tự ý chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn bằng nhà, đất mà không có văn bản thỏa thuận thì tổ chức công chứng từ chối công chứng, UBND cấp xã từ chối chứng thực hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho,…. Trong trường hợp thực hiện xong thủ tục sang tên nhà đất là tài sản chung mà không có văn bản thỏa thuận thì người còn lại có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn đó là vô hiệu.
*Hậu quả giao dịch vô hiệu
Theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
– Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
– Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Kết luận: Trường hợp nhà, đất là tài sản chung thì giấy chứng nhận phải đầy đủ tên vợ và chồng, trừ trường hợp vợ chồng thỏa thuận một người đứng tên. Mặt khác, dù một mình đứng tên nhưng không được tự ý chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Nguồn: Luatvietnam
Tác giả: lephuong được đăng vào lúc Tháng mười một 4th, 2024 trong danh mục Hỏi - đáp, Tư vấn pháp luật
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976