XỬ LÝ HÀNH VI CHIA SẺ, ĐĂNG TẢI THÔNG TIN GIẢ MẠO LÊN MẠNG XÃ HỘI
XỬ LÝ HÀNH VI CHIA SẺ, ĐĂNG TẢI THÔNG TIN GIẢ MẠO LÊN MẠNG XÃ HỘI
Chị Trần Mai C (huyện D, tỉnh Nghệ An) cho biết thời gian gần đây, chị thường xuyên bị nhắn tin, gọi điện yêu cầu thanh toán một khoản vay trong khi chị không hề vay mượn khoản tiền nào. Không chỉ nhắn tin, gọi điện mà chị còn bị đăng tải hình ảnh cá nhân kèm với những thông tin giả mạo, sai sự thật lên mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chị.
Chị C hỏi: Hành vi chia sẻ, đăng tải thông tin giả mạo, sai sự thật lên mạng xã hội bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng. Theo đó, hành vi chia sẻ, đăng tải thông tin giả mạo, sai sự thật lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến hình ảnh, danh dự, uy tín của người khác là hành vi vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng do hành vi vi phạm gây ra mà người có hành vi chia sẻ, đăng tải thông tin giả mạo, sai sự thật lên mạng xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Đối với trường hợp hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin giả, thông tin sai sự thật lên mạng xã hội nhưng chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm quy định về về việc vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội. Ngoài ra, hành vi này còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng về việc đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân theo quy định tại Điều 99 Nghị định 15/2020/ NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm quy định về trang thông tin điện tử. Đây là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật.
Trong trường hợp hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin giả, thông tin sai sự thật lên mạng xã hội mà có đầy đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì dựa vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra thì người có hành vi vi phạm sẽ có thể bị khởi tố về các tội: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288)…với các mức hình phạt tương ứng với từng tội phạm được quy định cụ thể tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Bên cạnh các chế tài nói trên thì người bị đăng tải tin giả, tin sai sự thật còn có thể khởi kiện dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Công ty Luật Trọng Hải & Cộng sự
Giám đốc - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải
Số 65, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
vplstronghai.nghean@gmail.com
0913 766 976